Lịch sử Cộng_hòa_Srpska

Các vùng lãnh thổ của Tỉnh tự trị người Serb từ năm 1991 đến 1992, phần màu xanh lam thuộc chính quyền Bosna Hercegovina

Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Bosna và Hercegovina nguyên là một trong 6 nước cộng hòa của Liên bang Nam Tư. Năm 1991, 43% dân số toàn cộng hòa là người Hồi giáo (đổi tên thành người Bosna/Bosniak) năm 1993, 31% là người Serb và 17% là người Croatia, phần còn lại tự coi mình là người Nam Tư hay dân tộc khác. Cuộc bầu cử dân chủ đa đảng đầu tiên trong nước cộng hòa được tổ chức vào ngày 18 tháng 11 năm 1990. Hầu hết ghế trong Nghị viện đều rơi vào các đảng chính trị đại diện cho 3 cộng đồng dân cư: Đảng Dân chủ Hành động, Đảng Dân chủ người Serb và Liên hiệp Dân chủ Người Croatia. Ba đảng đạt được một thỏa thuận chia sẻ quyền lực trong tất cả các thành phần của chính phủ và các thể chế công.

Trong một buổi họp vào các ngày 14 và 15 tháng 10 năm 1991, Nghị viện phê chuẩn "Bản ghi nhớ về Chủ quyền" và sẵn sàng tiến hành giống như SloveniaCroatia. Bản ghi nhớ được thông qua mặc dù có sự chống đối của 73 nghị sĩ người Serb thuộc các Đảng Dân chủ người Serb (đảng chính của người Serb trong nghị viện), cũng như của Phong trào Đổi mới người Serb và Liên hiệp các Lực lượng Cải cách, các đảng này coi việc thông qua này là bất hợp pháp [2][3]. Vào ngày 24 tháng 10 năm 1991, các Nghị sĩ người Serb thành lập Hội đồng của người Serb tại Bosna và Hercegovina (Skupština srpskog naroda u Bosni i Hercegovini) và coi đây là đại diện tối cao và là cơ quan lập pháp của người Serb và chấm dứt liên minh ba đảng. Vào ngày 9 tháng 1 năm 1992, Hội đồng tuyên bố Cộng hòa người Serb tại Bosna và Hercegovina (Republika srpskog naroda Bosne i Hercegovine) và coi đây là một phần của Nam Tư

Vào ngày 28 tháng 2 năm 1992 Hội đồng thông qua Cộng hòa người Serb tại Bosna và Hercegovina (thay thế cho tên cũ Republika srpskog naroda Bosne i Hercegovine). Lãnh thổ của quốc gia này bao gồm các địa hạt, đô thị tự trị và các vùng nơi người Serb chiếm đa số và cũng ở những nơi mà họ là thiểu số bởi sự ngược đãi trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Cộng hòa là một phần của Nam Tư và gia nhập liên bang với tuyên bố là thực thể chính trị đại diện cho các dân tộc khác nhau của Bosna và Hercegovina.

Nghị viện Bosna và Hercegovina, không có sự tham gia của các nghị sĩ người Serb đã tổ chức trưng cầu dân ý về độc lập cho Bosna và Hercegovina vào ngày 29 tháng 2 và ngày 1 tháng 3 năm 1992, nhưng đã bị hầu hết người Serb tẩy chay. Trước đó (9-10/11/1991), Hội dồng đã tổ chức một cuộc trưng cầu khác tại các vùng của người Serb, với kết quả là 96% lực chọn trở thành một thành viên của Liên bang Nam Tư [4]. Cuộc trưng cầu sau có 64% cử tri đi bỏ phiếu và 92,7% hay 99% (theo nhiều nguồn) ủng hộ độc lập[5]. Vào ngày 6 tháng 3, Nghị viện Bosna và Hercegovina công bố kết quả của cuộc trưng cầu dân ý, tuyên bố thành lập một ngước cộng hòa độc lập tách khỏi Nam Tư. Các chuyên gia luật pháp người Serb phủ nhận tính hợp pháp của cả hai viêc trưng cầu dân ý và tuyên bố độc lập. Cộng hòa độc lập này sau đó đã được Cộng đồng châu Âu công nhận ngày 6 tháng 4 năm 1992 và sau đó là Hoa Kỳ vào ngày 7 tháng 4 cùng năm. Cùng ngày đó Hội đồng của người Serb trong buổi họp tại Banja Luka tuyên bố cắt đứt quan hệ chính thức với Bosna và Hercegovina. Các tên Cộng hòa Srpska được Hội đồng thông qua vào ngày 12 tháng 8 năm 1992.

Tranh cãi chính trị leo thang thành Chiến tranh Bosnia, diễn ra cho đến mùa thu năm 1995. Theo một số phán quyết của Tòa án Hình sự Quốc tế về Nam Tư cũ (International Criminal Tribunal for the former Yugoslavia) (ICTY), các lực lượng của người gốc Serbia đã tiến hành thanh lọc sắc tộc trong các lãnh thổ mà họ họ dự định thành lập một nhà nước thuần nhất về dân tộc là Cộng hòa Srpska[6]. Cuộc chiến kết thúc với việc ký kết các Thóa ước trong đó công nhận Cộng hòa Srpska là một trong hai bộ phận có tính chính trị-lãnh thổ và hạn chế các chức năng có tính chính quyền và quyền lực của cả hai thực thể. Đường biên giới giữa hai thực thể đã được vạch ra theo quy định của thỏa ước. Từ năm 1992 đến 2003, Hiến pháp của Cộng hòa Srpska đã trải qua 113 lần sửa đổi.[7]